Sáng 8.8,ữngkỹnăngtưduytrườngĐHcầnởtânsinhviêchuyện cổ tích Báo Thanh Niêntổ chức buổi tọa đàm "Chương trình giáo dục hội nhập quốc tế tại các trường phổ thông" với sự tham gia của đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường có chương trình hội nhập quốc tế và chuyên gia giáo dục. Đại diện các trường ĐH cũng tham gia chia sẻ những tư duy, kỹ năng tân sinh viên cần có để tiếp tục hành trình hội nhập quốc tế.
Nếu muốn ra "biển lớn"...
Trước câu hỏi của phụ huynh về việc trường ĐH đánh giá ra sao về năng lực ngoại ngữ của học sinh tốt nghiệp từ những chương trình tăng cường tiếng Anh, thạc sĩ Nguyễn Thị Diễm, giảng viên khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Tài chính marketing TP.HCM, cho biết các em giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, thường được miễn học phần tiếng Anh nhờ nộp chứng chỉ trong nước và quốc tế như VSTEP, IELTS, TOEIC.
Tuy nhiên, chỉ giỏi mỗi tiếng Anh là chưa vượt trội, theo thầy Tô Minh Tùng, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Thầy Tùng nhìn nhận trong môi trường quốc tế hóa hiện tại, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Á chú trọng đầu tư, chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, việc thông thạo thêm tiếng Trung, Hàn hoặc Nhật sẽ giúp tân sinh viên có nhiều cơ hội hơn.
"Không chỉ ngoại ngữ, các bạn cũng cần xây dựng tư duy cởi mở và năng lực giao tiếp liên văn hóa để thích nghi với môi trường hội nhập quốc tế. Còn ở bậc phổ thông, các trường phải 'đánh' vào đào tạo ngoại ngữ, song song đó là nuôi dưỡng tư duy và định hướng nghề nghiệp đúng đắn trước khi vào ĐH", thầy Tùng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Hồ Văn Hận, Quyền trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nêu quan điểm tân sinh viên cần chú trọng bồi dưỡng tư duy toàn cầu. Đây là yếu tố giúp các em trở thành một công dân toàn cầu nổi bật. "Tư duy này không phải một sớm một chiều là có mà phải thông qua chương trình giáo dục dài hơi, từ phổ thông đến ĐH", thầy Hận cho hay.
Cũng theo ông Hận, các chương trình giáo dục hội nhập quốc tế hiện nay đã giúp học sinh khác biệt và chấp nhận sự khác biệt; tự do tư duy và không áp đặt tư duy của người khác. Đây đều là những khía cạnh của tư duy toàn cầu, giúp học sinh sống chung và hợp tác với bạn bè quốc tế. "Và nếu tự tin về kỹ năng, kiến thức, hãy vượt 'ngưỡng an toàn' để gia nhập thị trường lao động tại nước ngoài", thầy Hận khuyên.
"Rộng cửa" đón tân sinh viên giỏi ngoại ngữ
Theo tiến sĩ Hồ Văn Hận, giáo dục hội nhập quốc tế không chỉ diễn ra ở các trường phổ thông, mà còn xuất hiện ở trường ĐH. Chẳng hạn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thành lập Viện Đào tạo quốc tế gồm những chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, và đây chính là cơ hội để tân sinh viên giỏi ngoại ngữ tiếp nối hành trình học tập theo định hướng quốc tế hóa.
Thầy Minh Tùng thì chia sẻ Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng rất coi trọng đầu vào tiếng Anh. Đối với những tân sinh viên khóa tới, trường sẽ kiểm tra năng lực tiếng Anh đồng thời có thể cấp học bổng luyện thi IELTS để các bạn trau dồi thêm ngoại ngữ này. "Tân sinh viên cũng có thể chọn ngoại ngữ 2 ngoài tiếng Anh để mở rộng cơ hội nghề nghiệp", thầy Tùng cho hay.
Ngoài chương trình đại trà, tân sinh viên giỏi ngoại ngữ cũng có thể tham gia vào chương trình tài năng, theo thạc sĩ Trần Thái Thông, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Khoa học xã hội ngôn ngữ, Trường ĐH Gia Định. Đây là một chương trình chú trọng tiếng Anh với những môn học hoàn toàn bằng tiếng Anh do chuyên gia, giáo sư nước ngoài giảng dạy, cùng nhiều hoạt động mang tính quốc tế.
Cũng theo thầy Thông, tiếng Anh chỉ là bước đầu tiên trên hành trình học tập, là "cây cầu" giúp kết nối người học với thế giới. "Giỏi tiếng Anh qua nước Anh cũng chỉ là một người bình thường", thạc sĩ Thông ví von. Vì thế, bên cạnh ngoại ngữ, tân sinh viên cũng nên bồi dưỡng nhiều yếu tố khác về tư duy, kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu và công dân số.
"Nhìn chung, những chương trình giáo dục hội nhập quốc tế như song ngữ, tích hợp tại các trường phổ thông hiện nay rất có ích cho học sinh Việt Nam. Những chương trình này không chỉ đào tạo ngoại ngữ mà còn chắt lọc những cái hay của chương trình nước ngoài để giảng dạy cho các em. Đây là tín hiệu rất đáng mừng", thầy Thông kết luận.